Văn hóa doanh nghiệp là gì? Khái niệm, nguồn gốc và cấu trúc

4.5/5 - (2 bình chọn)

Khái Niệm văn hóa doanh nghiệp là gì? Nguồn gốc và cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp có đặc điểm như thế nào. Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều người khi tìm hiểu và nghiên cứu về vấn đề văn hóa. Cùng Luận Văn Việt khám giải đáp ngay những thắc mắc này qua bài viết dưới đây.

hinh-anh-van-hoa-doanh-nghiep-la-gi-1

1. Khái niệm văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, quan niệm và nguyên tắc hành vi được chia sẻ bên trong doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và cách thức hành động của các thành viên trong quá trình theo đuổi và thực hiện những mục tiêu chung, tạo nên bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp”.

Văn hoá doanh nghiệp là văn hoá của một tổ chức vì vậy nó không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay Văn hoá kinh doanh như cách nghĩ thông thường. Văn hoá doanh nghiệp không phải là những khẩu hiệu của ban lãnh đạo được treo trước cổng, trên hành lang hay trong phòng họp, đó chỉ là ý muốn, ý tưởng.

Những điều doanh nghiệp mong muốn có thể rất khác với những giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong các hành vi của mỗi thành viên doanh nghiệp. “Doanh nghiệp của chúng ta thực sự là gì?” khác với “Chúng ta muốn doanh nghiệp mình như thế nào?”.

Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò như một “hệ điều hành” có tác động điều chỉnh từ các hoạt động thường nhật, sự phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận cho đến việc hoạch định cơ cấu tổ chức hay lựa chọn chiến lược hoạt động… của mỗi doanh nghiệp.

2. Nguồn gốc của văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp được hình thành từ ba nguồn chính:

2.1 Niềm tin, giá trị và quan niệm của sáng lập viên và lãnh đạo doanh nghiệp

Sáng lập viên là người ghi dấu ấn đậm nét nhất lên Văn hóa doanh nghiệp, đồng thời tạo nên nét đặc thù của Văn hóa doanh nghiệp. Xét từ một khía cạnh nào đó, doanh nghiệp cũng giống như con người, thời kỳ đầu mới thành lập là khoảng thời gian hình thành nhân cách.

Trong thời kỳ này, người sáng lập có nhiệm vụ lựa chọn hướng đi, môi trường hoạt động mà các thành viên sẽ tham gia vào doanh nghiệp… Những sự lựa chọn này tất yếu sẽ phản ánh kinh nghiệm, tài năng, cá tính và triết lý riêng của bản thân các sáng lập viên, có tác động không nhỏ trong việc kiểm soát hành vi của nhân viên.Nhà lãnh đạo không chỉ là người quyết định cơ cấu tổ chức và công nghệ của doanh nghiệp mà còn là người sáng tạo ra các biểu tượng, các ý thức hệ, ngôn ngữ, niềm tin, nghi lễ và huyền thoại… của doanh nghiệp. Qua quá trình xây dựng và quản lý doanh nghiệp, hệ tư tưởng và tính cách của nhà lãnh đạo sẽ được phản chiếu lên Văn hóa doanh nghiệp.

hinh-anh-van-hoa-doanh-nghiep-la-gi-2

2.2 Kinh nghiệm học hỏi được của các thành viên doanh nghiệp trong quá trình phát triển

Có những giá trị Văn hóa doanh nghiệp không phải do sáng lập viên hay nhà lãnh đạo tạo ra mà là do tập thể nhân viên trong doanh nghiệp tạo dựng nên, hay còn gọi là những kinh nghiệm học hỏi được.

Hình thức của những giá trị học hỏi được thường rất phong phú, phổ biến là: những kinh nghiệm tập thể của doanh nghiệp (kinh nghiệm có được khi xử lý những vấn đề chung bao gồm kinh nghiệm về giao dịch với khách hàng hay kinh nghiệm khi ứng phó với sự thay đổi…); những giá trị học hỏi được từ các doanh nghiệp khác (kết quả của quá trình nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh, của chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp…);

Ngoài ra còn có các giá trị văn hóa được tiếp nhận trong quá trình giao lưu với nền văn hóa khác (Thông qua việc gửi nhân viên tham dự những khóa đào tạo ở nước ngoài) hay là những xu hướng và trào lưu xã hội…

2.3 Niềm tin và những giá trị của các thành viên mới và lãnh đạo mới

Không chỉ người sáng lập, nhân viên cũ và nhân viên mới hay nhà lãnh đạo mới cũng góp phần hình thành Văn hóa doanh nghiệp. Cấu trúc Văn hóa doanh nghiệp bao gồm: Những thực thể hữu hình; Những giá trị quan điểm; Nguyên tắc mang tính ổn định tương đối. Vì thế bất cứ giá trị mong muốn nào mà lãnh đạo mới muốn đưa vào đều là nguồn gốc làm nên Văn hóa doanh nghiệp.

3. Cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp

Có nhiều cách để phân chia Văn hóa doanh nghiệp thành các yếu tố khác nhau như vật thể, phi vật thể, các giá trị… Nhưng cách phân chia nổi tiếng và được thừa nhận, áp dụng nhiều nhất là cách của Edgar H. Schein. Có thể dễ dàng bắt gặp mô hình các lớp Văn hóa doanh nghiệp của ông trong rất nhiều công trình nghiên cứu về Văn hóa doanh nghiệp.

Ông có cách tiếp cận độc đáo từ hiện tượng đến bản chất của một nền văn hóa doanh nghiệp. Giúp chúng ta có thể hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc những bộ phận cấu thành văn hóa đó. Ông đã chia Văn hóa doanh nghiệp thành ba lớp.. Dựa vào đó ta có thể vẽ được một sơ đồ lớp cắt như sau:

hinh-anh-van-hoa-doanh-nghiep-la-gi-3

3.1. Những giá trị và cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp

Giá trị hữu hình của Văn hóa doanh nghiệp là những đặc điểm nhìn thấy, nghe được về doanh nghiệp. Đó là tất cả những gì thể hiện trên bề nổi của doanh nghiệp. Những nét đặc trưng hữu hình này bao gồm:

Kiến trúc, cách bài trí, công nghệ, sản phẩm

Đây là một đặc điểm nhận dạng nổi bật của doanh nghiệp. Cách bài trí đẹp mắt, kiến trúc ấn tượng của doanh nghiệp thể hiện tư tưởng của nhà lãnh đạo, trình độ thẩm mỹ. Đặc biệt là cả năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Người ta có thể dễ dàng nhận ra McDonald’s qua kiến trúcphong cách bố trí nội thất. Nó thể hiện rõ trong sự kết hợp giữa màu vàng tươi, màu đỏ và màu xanh rêu.

Đây cũng là một cách để doanh nghiệp khẳng định uy thế trước đối thủ, khắc ghi hình ảnh của mình trong tâm trí đối tác và khách hàng.

Thương hiệu, logo, khẩu hiệu và các tài liệu quảng cáo khác của doanh nghiệp

Thương hiệu tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm trong tâm trí khách hàng. Một thương hiệu khi đã được chấp nhận, nó sẽ mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích đích thực những lợi thế rõ rệt trên thương trường. Đó là khả năng tiếp cận thị trường một cách dễ dàng hơn, sâu rộng hơn. Ngay cả khi đó là một chủng loại hàng hóa mới.

Logo có tác dụng làm cho thương hiệu của doanh nghiệp nổi bật và ấn tượng hơn. Tạo ra sự nhận biết rất mạnh bằng thị giác, nhờ đó có thể được ghi nhớ lâu hơn trong tâm trí đối tác và khách hàng. Chẳng hạn logo quả táo khuyết một góc sẽ được tiếp nhận dễ dàng và nhanh hơn dòng chữ Apple. 

Cơ cấu tổ chức phòng ban của doanh nghiệp

Cơ cấu tổ chức phòng ban là khác nhau ở mỗi công ty. Nó phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Phụ thuộc vào đặc tính của sản phẩm mà doanh nghiệp đó cung cấp. Nó phụ thuộc vào tính chất của khách hàng và rất nhiều yếu tố khác. Việc tổ chức phòng ban một cách hợp lý sẽ có ảnh hưởng tích cực tới tinh thần làm việc. Ảnh hưởng đến trách nhiệm của tập thể cán bộ công nhân viên đối với công ty. 

Các văn bản ấn định nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp

Tập hợp các văn bản này có thể là các giấy tờ xác nhận quyền hoạt động kinh doanh, xác định rõ lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng có thể là văn bản quy định và điều chỉnh hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp, quy định chế độ lao động, khen thưởng hoặc kỷ luật đối với mọi thành viên trong công ty. 

Ngôn ngữ, trang phục, xe cộ, chức danh, cách biểu lộ cảm xúc, ứng xử của đội ngũ nhân viên

Đây là những yếu tố thể hiện trực tiếp tới khách hàng về nền văn hóa nội bộ doanh nghiệp. Phong thái ứng xử, cách biểu lộ cảm xúc của đội ngũ nhân viên đóng vai trò quan trọng. Nhất là trong việc dành cảm tình và sự gắn bó lâu dài của khách hàng. Các yếu tố khác như ngôn ngữ, trang phục giúp xây dựng hình tượng về mặt bằng doanh nghiệp đó. 

hinh-anh-van-hoa-doanh-nghiep-la-gi-4

Những huyền thoại về doanh nghiệp

Những câu chuyện huyền thoại về doanh nghiệp được lưu truyền qua các thế hệ thành viên này đến thành viên khác. Nó được lưu truyền bằng cách kể lại. Những huyền thoại đó giúp xây dựng niềm tin trong lòng các thành viên vào sức mạnh của doanh nghiệp. 

Lễ nghi, lễ kỷ niệm và lễ hội hàng năm

Đây là những hoạt động không thể thiếu để bồi đắp niềm tin cho mọi người. Để họ tin tưởng vào sức mạnh của doanh nghiệp. Các lễ kỷ niệm sẽ làm tôn vinh những giá trị Văn hóa doanh nghiệp. Những sự kiện này thường được tổ chức công khai và đều đặn hàng năm. Tác dụng của nó là nhắc nhở cho các thành viên về truyền thống của doanh nghiệp.

3.2. Các giá trị được chấp nhận

Mục đích, chiến lược kinh doanh và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp sẽ định hướng cho mọi kế hoạch và hoạt động của tập thể nhân viên. Đó cũng chính là những giá trị được tuyên bố rộng rãi ra công chúng và là một bộ phận của những giá trị Văn hóa doanh nghiệp. 

Mục đích kinh doanh

Giải thích nguyên nhân tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp: Hoạt động vì cái gì? Hoạt động vì ai? Hoạt động nhằm mục đích cuối cùng là gì? Việc xác định đúng mục đích kinh doanh có vai trò quyết định tới sự tồn tại của doanh nghiệp. Vì dựa vào đó doanh nghiệp có thể định hướng sử dụng tối ưu nhất các nguồn lực. Tạo cơ sở cho việc xác lập những mục tiêu ngắn và dài hạn. 

Chiến lược kinh doanh là những kế hoạch hành động được cụ thể hóa. Chiến lược kinh doanh được xây dựng bài bản và hợp lý. Giúp tập hợp các nguồn lực thành sức mạnh thống nhất để đạt được mục đích kinh doanh đề ra.

Triết lý kinh doanh

Tiến sĩ Đỗ Minh Cương đã đưa ra định nghĩa như sau:

  • “Triết lý kinh doanh là những tư tưởng triết học phản ánh thực tiễn kinh doanh thông qua con đường trải nghiệm. Những suy ngẫm và khái quát hóa của các chủ thể kinh doanh”. Các nhà sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp có vai trò quyết định đối với việc tạo lập một triết lý kinh doanh.

Nhưng nó chỉ thực sự là triết lý kinh doanh chung của doanh nghiệp. Khi được toàn thể cán bộ công nhân viên tự nguyện và tự giác chấp nhận. Triết lý kinh doanh phải được xây dựng, hoàn thiện công khai, dân chủ và mở rộng. Tất cả mọi người có thể tham gia thảo luận để xây dựng nó.

Không chỉ có vậy, triết lý kinh doanh phải đảm bảo được lợi ích của tầng lớp người lao động. Chứ không chỉ lợi ích của chủ doanh nghiệp. Nó phải làm cho họ tin rằng lợi ích mà thu được sẽ tỷ lệ thuận với sự đóng góp của họ với công ty. Từ đó, công ty sẽ có một tương lai lâu dài và bền vững. 

Giá trị, mục tiêu trong kinh doanh

Các giá trị được chấp nhận có vai trò định hướng hoạt động cho các thành viên trong doanh nghiệp. Định hướng theo những mục tiêu cụ thể và chính xác. Như là mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp đề ra năm nay là đạt được doanh số gấp đôi năm ngoái. Khi đó các thành viên trong doanh nghiệp sẽ đề ra chiến lược kinh doanh cụ thể để đạt được mục tiêu đó. 

hinh-anh-van-hoa-doanh-nghiep-la-gi-5

3.3. Những quan niệm nền tảng (Giá trị cốt lõi)

Những quan niệm nền tảng, hay cũng được gọi là giá trị cốt lõi, là tầng sâu nhất của Văn hóa doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi chính là những nguyên lý chủ chốt và lâu dài, mang tính dẫn đường và bất biến mặc cho điều kiện thị trường có thay đổi thế nào đi nữa.

Niềm tin

Đó chính là niềm tin, nhận thức, suy nghĩ được hình thành và tồn tại trong một thời gian dài. Nó mặc nhiên và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi thành viên; từ đó góp phần điều chỉnh hành vi của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Bill Hewlett và David Packard (Những nhà sáng lập tập đoàn HP) có quan điểm tôn trọng cá nhân nhưng điều đó không xuất phát từ bất cứ sách vở hay học thuyết nào, mà là niềm tin của chính bản thân họ. Hay như William Procter và James Gamble (tập đoàn P&G). Không chỉ xem “chất lượng tuyệt hảo” đơn thuần là một chiến lược kinh doanh, mà họ coi đó là một tín điều thiêng liêng, một giá trị cốt lõi trong hơn 150 năm lịch sử công ty. 

Đơn giản, rõ ràng và thẳng thắn

Giá trị cốt lõi có thể được thể hiện bằng nhiều cách, song chúng luôn đơn giản, rõ ràng, thẳng thắn và đầy sức mạnh. Ở Wal – Mart, Sam Walton đã nói về giá trị cốt lõi của công ty mình như sau: “Chúng tôi đặt khách hàng lên trên hết. Nếu bạn không phục vụ khách hàng hoặc hỗ trợ cho những ai phục vụ khách hàng, thì bạn không phải là người chúng tôi cần”.

James Gamble thì phát biểu đơn giản và tao nhã về giá trị cốt lõi của công ty P&G. Đó là: “Nếu bạn không làm ra được một sản phẩm có chất lượng tốt. Hãy làm lại sản phẩm đó dù vất vả đến thế nào đi nữa”. Mỗi doanh nghiệp nhìn chung chỉ có vài giá trị cốt lõi. Bởi đây là những giá trị hết sức cơ bản và ít khi thay đổi, giá trị cốt lõi luôn trường tồn qua các giai đoạn thăng trầm của mỗi doanh nghiệp. 

Văn hóa của doanh nghiệp

Mối quan hệ chặt chẽ giữa ba tầng lớp trên đã tạo nên Văn hóa doanh nghiệp. Để xây dựng được nền văn hóa phong phú và lâu bền thì nhà lãnh đạo là người đặt nền móng và xác định bước đi ban đầu, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách và hành động cụ thể. Các giá trị cốt lõi như niềm tin phải luôn đi trước chính sách, thực hành và mục tiêu.

Tuy nhiên không phải tất cả, mà chỉ một số ít doanh nghiệp lớn khởi nghiệp với một tư tưởng cốt lõi rõ ràng. Còn đa phần các doanh nghiệp chỉ hình thành tư tưởng của mình sau khi đã trải qua giai đoạn thành lập và phát triển đầu tiên.

Toàn thể cán bộ công nhân viên sẽ là những người tham gia đóng góp những viên gạch xây dựng xuyên suốt chặng đường tồn tại của doanh nghiệp đó, trải qua những thử thách, thành công, thất bại, để rồi chắt lọc được những giá trị văn hóa cốt lõi đích thực làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp

Bài viết đã chia sẻ chi tiết về khái niệm văn hóa doanh nghiệp cũng như nguồn gốc, cấu trúc. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hãy liên hệ với đội ngũ chuyên gia của Luận Văn Việt. Hãy gọi theo hotline: 0915 686 999 hoặc email qua địa chỉ: luanvanviet.group@gmail.com để được tư vấn và giải đáp.

Nguồn: Luanvanviet.com

0/5 (0 Reviews)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan