Trong bài viết này, Luận Văn Việt sẽ đưa ra những vấn đề mang tính tổng quát liên quan đến kế toán quản trị, bao gồm: Khái niệm, vai trò, nội dung cơ bản của kế toán quản trị. Đồng thời giúp bạn phân biệt rõ kế toán quản trị và kế toán tài chính trong doanh nghiệp.
1. Khái niệm và bản chất của kế toán quản trị
Cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động SXKD ngày càng được mở rộng, ngày càng đa dạng phức tạp, thông tin lúc này càng trở lên bức thiết và quan trọng. Chức năng của kế toán là cung cấp và truyền đạt các thông tin kinh tế của một tổ chức cho các đối tượng khác nhau giúp việc ra các quyết định kinh tế – xã hội, cho việc đánh giá hiệu quả tổ chức và quản lý.
Các đối tượng khác nhau ở đây gồm các nhà quản lý doanh nghiệp và đối tượng bên ngoài doanh nghiệp như: Cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với doanh nghiệp…
Do vậy, kế toán được chia thành hai nhánh: Nhánh kế toán cung cấp thông tin cho quản lý, điều hành hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp được gọi là kế toán quản trị; nhánh kế toán cung cấp thông tin cho những đối tượng chủ yếu ở bên ngoài doanh nghiệp được gọi là kế toán tài chính.
KTTC liên quan đến quá trình báo cáo hoạt động của một tổ chức hay của một doanh nghiệp chủ yếu cho các đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài doanh nghiệp thông qua: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ… Đó là các báo cáo tài chính tổng hợp cung cấp những tài liệu phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ đã qua, nó không đủ đáp ứng nhu cầu quản lý của nhà quản trị doanh nghiệp.
Khác với KTTC, KTQT cung cấp thông tin nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhà quản trị các cấp ở doanh nghiệp, nhằm giúp các nhà quản trị các cấp trong doanh nghiệp thực hiện các chức năng quản trị: Lập kế hoạch; tổ chức; điều hành; kiểm tra và ra quyết định.
Do đó thông tin của KTQT cung cấp liên quan đến việc báo cáo hoạt động kinh tế của từng bộ phận, từng loại hoạt động trong doanh nghiệp và không chỉ là những thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế của doanh nghiệp trong quá khứ mà còn cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế của doanh nghiệp trong tương lai.
Việt Nam, khái niệm sau về KTQT được nhiều người thừa nhận: KTQT là khoa học thu nhận xử lý, cung cấp thông tin về hoạt động SXKD một cách cụ thể phục vụ cho các nhà quản lý trong việc lập kế hoạch, điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch và quản lý hoạt động kinh tế tài chính trong nội bộ doanh nghiệp. (Giáo trình KTQT – Trường Đại học Thương Mại, NXB Thống kê, 2006, tr10).
Hoặc KTQT là quy trình định dạng, đo lường, tổng hợp, phân tích, lập bảng biểu, giải trình và thông đạt các số liệu tài chính và chi phí tài chính cho Ban Giám đốc để lập kế hoạch, đánh giá theo dõi việc thực hiện kế hoạch trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp, để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả các tài sản và quản lý chặt chẽ các tài sản này. (Hiệp hội kế toán viên Hoa Kỳ, 1982).
Các định nghĩa trên tuy phát biểu khác nhau nhưng có vấn đề chung thể hiện bản chất của KTQT như sau:
- KTQT là một hệ thống kế toán cung cấp thông tin định lượng;
- Các nhà quản trị doanh nghiệp là những người sử dụng thông tin do KTQT cung cấp;
- Mục đích sử dụng thông tin của những nhà quản trị là hoạch định và kiểm soát các hoạt động của tổ chức;
Như vậy, về bản chất KTQT là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống kế toán doanh nghiệp nói chung và là một công cụ quan trọng không thể thiếu đối với công tác quản lý nội bộ doanh nghiệp.
KTQT không chỉ thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về các nghiệp vụ kinh tế đã thực sự hoàn thành, đã được ghi chép trong các sổ kế toán mà còn xử lý và cung cấp thông tin phục vụ cho việc ra quyết định.
KTQT chỉ cung cấp những thông tin về hoạt động kinh tế tài chính trong phạm vi yêu cầu quản lý nội bộ của một doanh nghiệp, không có ý nghĩa đối với các đối tượng bên ngoài.
2. Phân biệt kế toán quản trị và kế toán tài chính
KTQT và KTTC là hai bộ phận cấu thành của hệ thống thông tin kế toán, vì vậy chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Chúng có cùng đối tượng nghiên cứu là các sự kiện kinh tế tài chính diễn ra trong quá trình tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp, cùng sử dụng số liệu ghi chép ban đầu của hệ thống kế toán và cùng liên quan đến trách nhiệm quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vì mục đích cụ thể khác nhau nên giữa KTQT và KTTC có những điểm khác nhau cơ bản (sự khác nhau này được xem xét trên góc độ quản lý và phục vụ quản lý nên chỉ mang tính tương đối):
Xem thêm: Tiền lương là gì? Bản chất và chức năng của tiền lương
3. Vai trò của kế toán quản trị trong quản lý doanh nghiệp
Để đạt được mục tiêu điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh công tác quản trị doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều thông tin. Loại thông tin cho việc xây dựng kế hoạch và kiểm tra hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp đó là những thông tin giúp cho nhà quản trị biết được những gì đang xảy ra và việc thực hiện các mục tiêu dự kiến thế nào. Loại thông tin thứ hai chủ yếu cần thiết cho quản trị trong việc lập kế hoạch dài hạn.
Những thông tin này được dùng để xây dựng những chiến lược tổng quát và đề ra các quyết định đặc biệt có tác động then chốt đối với đơn vị. Nhìn chung KTQT có ba chức năng: Chọn lọc và ghi chép số liệu, phân tích số liệu, lập báo cáo dùng cho quản trị.
Đối với doanh nghiệp những thông tin có tính dự báo về số lượng khách mua xe là rất quan trọng nhưng những thông tin khác như: Chi phí vận chuyển, … cũng quan trọng không kém để lập dự toán chi phí, doanh thu từ đó lập dự toán kết quả.
Như vậy, các nhà quản trị doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh bằng các phương pháp quản lý thông qua các chức năng quản lý.
KTQT rất cần cho các nhà quản trị xây dựng kế hoạch ở doanh nghiệp, vì nó cung cấp thông tin để ra quyết định về kế hoạch. Kế hoạch này được tiến hành dưới sự điều khiển của hội đồng xét duyệt dự toán có sự tham gia của kế toán trưởng. Chúng được lập hàng năm và những mục tiêu quản lý được biểu hiện dưới dạng các chỉ tiêu về số lượng và giá trị trong quản lý.
Việc lập kế hoạch chưa đủ mà quan trọng hơn là cần những thông tin có liên quan đến việc thực hiện kế hoạch. KTQT giúp cho chức năng kiểm tra bằng cách thiết kế lên các báo cáo có dạng so sánh.
Các nhà quản trị sử dụng các báo cáo đó để kiểm tra, đánh giá trong các lĩnh vực, trách nhiệm mà họ cần quan tâm để xem xét và điều chỉnh tổ chức thực hiện các mục tiêu đặt ra. Do đó, KTQT phải làm sao cho các nhà quản lý nhận được những thông tin mà họ cần hoặc họ muốn nhận.
Mặt khác, trong việc điều hành hoạt động kinh doanh ở doanh nghiệp các nhà quản lý thường xuyên ra quyết định mà phần lớn thông tin được coi là căn cứ chủ yếu để ra quyết định do KTQT cung cấp.
Như vậy, trong hoạt động kinh doanh, nhà quản lý phải điều hành các hoạt động hàng ngày, lập kế hoạch cho tương lai, giải quyết các vấn đề và thực hiện một khối lượng lớn các quyết định thường xuyên và không thường xuyên.
Tất cả những điều này đòi hỏi phải cung cấp bằng những thông tin về KTTC phục vụ cho yêu cầu quản lý trong việc lập kế hoạch, điều hành, theo dõi thực hiện kế hoạch trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp.
4. Nội dung cơ bản của kế toán quản trị trong doanh nghiệp
KTQT là công cụ quan trọng không thể thiếu trong công tác quản lý nội bộ doanh nghiệp. Để hoạt động quản lý doanh nghiệp có hiệu quả cao, các doanh nghiệp cần phải tổ chức KTQT.
KTQT doanh nghiệp trước hết phải thiết lập hệ thống dự toán ngân sách phù hợp với mục tiêu và điều kiện cụ thể của doanh nghiệp theo từng thời kỳ, bao gồm dự toán chi phí, dự toán doanh thu và kết quả…, sau đó phải theo dõi suốt quá trình thực hiện các dự toán từ khâu mua vật liệu, hàng hóa, quá trình sản xuất, tính toán chi phí, giá thành sản phẩm, cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, xác định kết quả kinh doanh theo từng loại sản phẩm, hàng hóa, từng loại dịch vụ.
Từ đó, KTQT phải phân tích tình hình thực hiện dự toán, kết hợp với việc thu thập xử lý những thông tin cần thiết khác để các nhà quản trị doanh nghiệp dự kiến phương hướng phát triển của doanh nghiệp tương lai.
Tóm lại, những nội dung cơ bản của KTQT trong doanh nghiệp bao gồm:
Nếu xét theo nội dung các thông tin mà KTQT cung cấp có thể khái quát KTQT doanh nghiệp gồm:
- Kế toán các yếu tố SXKD (gồm TSCĐ, lao động, tiền lương);
- KTQT chi phí và giá thành sản phẩm;
- KTQT doanh thu và kết quả kinh doanh
- KTQT về các hoạt động đầu tư tài chính;
- KTQT các hoạt động khác của doanh nghiệp.
Trong các nội dung trên trọng tâm của KTQT là lĩnh vực chi phí. Vì vậy, một số người cho rằng KTQT là kế toán chi phí.
Nếu xét quá trình KTQT trong mối quan hệ với chức năng quản lý, KTQT bao gồm các khâu:
- Chính thức hóa các mục tiêu của DN thành các chỉ tiêu kinh tế;
- Lập dự toán chung và các dự toán chi tiết;
- Thu thập, cung cấp thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu;
- Soạn thảo các báo cáo KTQT.
Như vậy, thông tin của KTQT không chỉ là thông tin quá khứ, thông tin thực hiện mà còn bao gồm các thông tin về tương lai (kế hoạch, dự toán…). Mặt khác, thông tin KTQT không chỉ là các thông tin về giá trị mà còn bao gồm các thông tin khác (hiện vật, thời gian lao động…).
Mặc dù nắm được những nội dung cơ bản của KTQT nhưng để làm và làm tốt được KTQT nói chung và KTQT chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh nói riêng lại chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như:
Tính chất loại hình kinh doanh, quy mô, phạm vi hoạt động: Những nhân tố này ảnh hưởng rất lớn đến KTQT chi phí, doanh thu, kết quả vì với những doanh nghiệp thì yêu cầu về thông tin để ra quyết định kinh doanh càng cao, mà những thông tin quan trọng để ra quyết định lại được cung cấp từ KTQT, đặc biệt là KTQT chi phí, doanh thu, kết quả. Còn với những doanh nghiệp quy mô nhỏ hiện tại các doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đến KTTC, KTQT vẫn còn chưa được chú trọng.
Nhân tố thứ hai ảnh hưởng tới KTQT chi phí, doanh thu, kết quả là yêu cầu, trình độ của nhà quản lý. Với những nhà quản lý có yêu cầu cao, hiểu được tầm quan trọng của KTQT đặc biệt là KTQT chi phí, doanh thu, kết quả thì KTQT chi phí, doanh thu, kết quả sẽ được quan tâm và được sử dụng đến.
Nhân tố thứ ba đó là kiến thức về KTQT của nhân viên kế toán. Nếu nhân viên kế toán được tiếp cận, có chuyên môn nghiệp vụ về KTQT thì KTQT mới được sử dụng trong doanh nghiệp.
Xem thêm:
Trên đây là bài viết trình bày những kiến thức đầy đủ nhất về khái niệm, bản chất cũng như vai trò của kế toán quản trị. Hy vọng bài viết giúp bạn có được cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hãy liên hệ với chúng tôi theo hotline: 0915 686 999 hoặc email qua địa chỉ: luanvanviet.group@gmail.com để được tư vấn và giải đáp.
Nguồn: Luận Văn Việt
CEO Helen Lưu Hà Chi – Nhà sáng lập website luanvanviet.com , nơi cung cấp các dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, tốt nghiệp, tiểu luận, essay, Assignment, cùng với các giải pháp chuyên sâu về xử lý số liệu bao gồm SPSS, STATA, EVIEWS, và SmartPLS.