Trong bài viết này, Luận văn Việt xin chia sẻ đến bạn đọc những vấn đề lý luận chung liên quan đến khái niệm giáo dục mầm non là gì. Ngoài ra bài viết còn bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ và các phương pháp nghiên cứu giáo dục mầm non. Nếu bạn đang làm luận văn liên quan đến chủ đề này hãy tham khảo ngay bài viết của chúng tôi.
1. Khái niệm giáo dục mầm non là gì?
Giáo dục học là một khoa học về việc giáo dục con người – có nhiệm vụ chỉ ra bản chất và nêu ra các quy luật của quá trình giáo dục con người; xác định mục tiêu giáo dục; quy định nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục cho trẻ em ở các đối tượng khác nhau nhằm đạt được hiệu quả hoạt động tối ưu trong những điều kiện, xã hội nhất định.
Giáo dục học mầm non là một chuyên ngành của giáo dục học, có nhiệm vụ xây dựng lí luận và tổ chức khoa học quá trình giáo dục trẻ em ở độ tuổi từ 0 – 6 tuổi (trước tuổi đến trường phổ thông).
Dựa trên cơ sở khoa học mang tính quy luật chung của giáo dục học và tính đến những đặc điểm riêng của sự phát triển tâm sinh lí của trẻ để hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em ở lứa tuổi này, giáo dục học mầm non có nhiệm vụ nghiên cứu, xác định mục tiêu, quy định nội dung, chỉ dẫn phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục trẻ em ở lứa tuổi này một cách khoa học để đạt được hiệu quả giáo dục tối ưu cho trẻ em trong độ tuổi trước tuổi đến trường phổ thông.
2. Đối tượng của giáo dục mầm non
Con người là đối tượng của nhiều ngành khoa học (triết học, văn học, sử học, xã hội học, sinh lí học, tâm lí học…) trong đó con người cũng chính là đối tượng của giáo dục.
Giáo dục học mầm non nghiên cứu bản chất của quá trình giáo dục, quá trình hình thành con người có mục đích, có kế hoạch, một hoạt động tự giác tác động đến việc hình thành nhân cách trẻ em của nhà giáo dục hoặc tổ chức giáo dục.
Trên cơ sở đó, giáo dục học mầm non xác định mục đích, mục tiêu giáo dục, quy định nội dung, chỉ ra phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục thích hợp nhằm tổ chức tối ưu quá trình hình thành con người trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Vậy đối tượng của giáo dục học mầm non chính là quá trình giáo dục trẻ em từ 0 – 6 tuổi.
Xem thêm:
3. Nhiệm vụ của giáo dục mầm non
Giáo dục học mầm non có nhiệm vụ nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản sau đây:
- Mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục trẻ từ 0 – 6
- tuổi.
- Xây dựng hệ thống các nguyên tắc giáo dục mầm non.
- Tổ chức các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non.
- Tìm ra phương hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình giáo dục trẻ em.
Ngày nay, đường lối đổi mới giáo dục trong thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đã vạch ra cho khoa học giáo dục nói chung và giáo dục học nói riêng những nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu phù hợp, đáp ứng các yêu cầu xây dựng và phát triển giáo dục trong giai đoạn mới.
Theo xu thế phát triển chung, giáo dục học mầm non cần nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh các vấn đề lí luận cũng như thực tiễn giáo dục mầm non, đảm bảo vừa có giá trị định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động giáo dục mầm non theo hướng đa dạng hóa, xã hội hóa, tạo điều kiện để hoạt động giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu phát triển của xã hội và có cơ sở, có điều kiện hội nhập, tham gia vào hoạt động giáo dục mầm non trên thế giới và khu vực.
Sau đây là một số định hướng nghiên cứu của khoa học giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay:
- Nghiên cứu tổng thể hiện trạng giáo dục mầm non ở từng khu vực để đánh giá chính xác tình hình, có giải pháp từng bước giải quyết các mâu thuẫn, bất cập.
- Nghiên cứu hoàn thiện mục tiêu giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn đổi mới.
- Nghiên cứu nhu cầu của xã hội đối với giáo dục mầm non trong tình hình hiện nay và xu thế phát triển của nó.
- Nghiên cứu các loại hình giáo dục mầm non, xu thế và khả năng phát triển của loại hình công lập, bán công, dân lập, tư thục ở từng khu vực. Nghiên cứu các mô hình khả thi đặc trưng, thích hợp cho từng vùng, miền.
- Nghiên cứu các giải pháp phát triển giáo dục mầm non ở thôn thôn, vùng sâu, vùng xa, ưu tiên thiết kế chính sách đảm bảo công bằng xã hội, hỗ trợ người nghèo…
- Nghiên cứu các điều kiện đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
- Nghiên cứu đổi mới công tác quản lí giáo dục mầm non.
- Nghiên cứu các giải pháp đào tạo giáo viên nhằm tăng cường số lượng và đảm bảo chất lượng.
- Xác định rõ những tiêu chí cơ bản trong việc đánh giá, phân loại chất lượng ở mỗi cơ sở giáo dục mầm non của mỗi địa phương theo chuẩn mực quốc gia.
- Nghiên cứu, bổ sung các thuật ngữ trong giáo dục mầm non.
Giáo dục mầm non gắn liền và chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự phát triển chung của xã hội, không chỉ vì trẻ em là nguồn nhân lực tương lai của đất nước mà còn vì cha mẹ của các em là nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.
Bởi vậy, nghiên cứu giáo dục mầm non chính là góp phần đổi mới những vấn đề liên quan tới phát triển nguồn nhân lực – một yếu tố cực kì quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, giáo dục học mầm non phải dựa trên các thành tựu của khoa học hiện đại nghiên cứu trẻ em dưới 6 tuổi và liên kết phối hợp chặt chẽ với nhiều ngành khoa học khác.
Các bạn chưa thể hoàn thành luận văn thạc sĩ đúng hạn do không có thời gian, nguồn tài liệu tham khảo còn hạn chế, không phải thế mạnh…Đừng lo lắng, Luận Văn Việt sẽ cung cấp dịch vụ thuê người viết luận văn cho các bạn đạt kết quả cao nhất, chất lượng nhất. Hãy tham khảo ngay!
4. Phương pháp nghiên cứu giáo dục học mầm non là gì?
Giáo dục học mầm non là một khoa học có đối tượng, nhiệm vụ và hệ thống phương pháp nghiên cứu của mình. Khi nghiên cứu giáo dục học mầm non với tư cách là một chuyên ngành của giáo dục học, chúng ta cần sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục nói chung, nhưng xuất phát từ đặc điểm của đối tượng, phải đặc biệt chú ý một số phương pháp sau:
4.1. Phương pháp quan sát sư phạm
Quan sát sư phạm là phương pháp thu thập các thông tin về đối tượng nghiên cứu bằng các tri giác có chủ định đối tượng và các yếu tố liên quan đến đối tượng.
Ví dụ: Quan sát trẻ mẫu giáo trong giờ chơi để thu thập thông tin về hứng thú chơi của trẻ.
Phương pháp quan sát sư phạm trong giáo dục mầm non được phân thành các loại như sau:
- Quan sát trực tiếp – quan sát gián tiếp.
- Quan sát toàn diện – quan sát có bố trí.
- Quan sát lâu dài – quan sát thời gian ngắn.
- Quan sát phát hiện – quan sát kiểm nghiệm.
Muốn quan sát đạt hiệu quả cao cần đảm bảo những yêu cầu:
- Xác định mục đích quan sát rõ ràng (quan sát để làm gì?)
- Xây dựng kế hoạch, tiến trình quan sát.
- Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt: lí luận, thực tiễn, các phương tiện cần thiết có liên quan đến mục đích quan sát.
- Tiến hành quan sát cẩn thận và có hệ thống.
- Ghi chép khách quan, chính xác (các sự kiện, hiện tượng, số liệu đúng như đối tượng bộc lộ).
- Lưu giữ tài liệu quan sát phải cẩn thận và thuận tiện sử dụng.
Phương pháp quan sát sư phạm có khả năng thu thập được nhiều tài liệu cụ thể, sinh động, tự nhiên, làm cơ sở cho quá trình tư duy khoa học.
Song đây là phương pháp phụ thuộc nhiều vào chủ quan của người quan sát, nếu người quan sát không được trang bị những tri thức cần thiết và kĩ năng sử dụng phương pháp này thì sẽ dẫn tới tình trạng tài liệu thu được thiếu khách quan, không đảm bảo chất lượng.
4.2. Phương pháp trò chuyện (đàm thoại)
Trò chuyện là phương pháp đặt ra câu hỏi cho người đối thoại và dựa vào câu trả lời của họ để thu thập thông tin về vấn đề nghiên cứu.
Ví dụ:Trò chuyện với giáo viên, trò chuyện với trẻ em.
Trò chuyện được phân thành các loại sau đây:
- Trò chuyện trực tiếp.
- Trò chuyện gián tiếp.
- Trò chuyện thẳng.
- Trò chuyện đường vòng.
- Trò chuyện bổ sung.
- Trò chuyện đi sâu.
- Trò chuyện phát hiện.
- Trò chuyện kiểm nghiệm.
Tùy theo mục đích, điều kiện, hoàn cảnh và đặc điểm của đối tượng mà vận dụng các hình thức trò chuyện cho phù hợp. Khi trò chuyện, muốn thu được tài liệu có chất lượng phải tôn trọng các yêu cầu:
- Xác định rõ mục đích, yêu cầu.
- Cần tìm hiểu người đối thoại để lựa chọn cách trò chuyện cho phù hợp (hiểu tính cách, hứng thú, năng lực, khí chất, hoàn cảnh…).
- Quá trình trò chuyện phải có ý thức khéo léo lái câu chuyện vào đúng mục đích, tránh tràn lan làm loãng chủ đề.
- Cần tạo không khí tự nhiên, thân mật, cởi mở trong khi trò chuyện. Không nhất thiết phải ghi chép các câu trả lời của đối tượng.
Phỏng vấn cũng là một dạng của đàm thoại, các câu hỏi phải chuẩn bị trước và được hỏi theo một trình tự nhất định, các câu trả lời cần được ghi chép một cách công khai. Trong phỏng vấn người ta dùng cả phương tiện kĩ thuật hiện đại như máy ảnh, máy ghi âm hoặc ghi hình để giữ lại tư liệu nghiên cứu.
4.3. Phương pháp điều tra
Điều tra là phương pháp dùng một số câu hỏi nhất loạt đặt ra cho một số lượng đối tượng nghiên cứu nhằm thu thập ý kiến của họ về một vấn đề nào đó. Ý kiến trả lời có thể được viết ra hoặc trình bày bằng miệng do người điều tra ghi lại.
Điều tra có thể phân loại như sau:
- Điều tra thăm dò (câu hỏi rộng và nông) nhằm thu thập tài liệu ở mức sơ bộ về đối tượng.
- Điều tra đi sâu (câu hỏi hẹp và sâu) nhằm khai thác sâu sắc một vài khía cạnh nào đó của đối tượng nghiên cứu.
- Điều tra bổ sung nhằm thu thập tài liệu bổ sung cho các phương pháp khác.
Căn cứ vào mục đích, tính chất của việc điều tra, người ta có thể sử dụng nhiều dạng câu hỏi khác nhau:
- Câu hỏi “đóng”là những câu hỏi có kèm theo phương án trả lời. Người được trưng cầu ý kiến có thể lựa chọn một hoặc một vài phương án phù hợp với nhận thức của mình.
- Câu hỏi “mở”là những câu hỏi không có phương án trả lời sẵn và người được trưng cầu ý kiến tự trả lời.
Sử dụng phương pháp điều tra có thể trong một khoảng thời gian ngắn thu thập được ý kiến của nhiều người ở một phạm vi rộng, tuy nhiên độ tin cậy của tài liệu thu được bị hạn chế, bởi vì nó phụ thuộc vào chủ quan của người trả lời.
Để có tài liệu tương đối chính xác phải điều tra nhiều lần và đảm bảo số lượng người được hỏi đủ lớn. Các câu hỏi cần xây dựng theo một hệ thống, chúng ràng buộc lẫn nhau, kiểm tra lẫn nhau để có thể buộc người trả lời phải bộc lộ ý nghĩ thật của mình.
4.4. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm giáo dục
Tổng kết kinh nghiệm giáo dục là phương pháp đi từ thực tiễn giáo dục, dùng lí luận phân tích thực tiễn, từ phân tích thực tiễn mà rút ra lí luận.
Trong khoa học giáo dục nói chung và giáo dục học mầm non nói riêng, tổng kết kinh nghiệm, tức là dùng cơ sở lí luận của chủ nghĩa Mác–Lênin, đường lối quan điểm giáo dục của Đảng, dùng tri thức về khoa học giáo dục mầm non và các khoa học khác để tìm hiểu, phân tích, đánh giá các kinh nghiệm có tác dụng tích cực trong thực tiễn giáo dục, từ đó rút ra những bài học mang tính lí luận, lí luận đó được chỉ đạo trở lại thực tiễn giáo dục.
Ví dụ: Kinh nghiệm phòng chống trẻ suy dinh dưỡng ở trường mầm non; kinh nghiệm huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo; kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ; kinh nghiệm quản lí của hiệu trưởng trường mầm non.
Khi sử dụng phương pháp tổng kết kinh nghiệm giáo dục cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
- Phát hiện, xác định đúng đối tượng nghiên cứu. Tức là kinh nghiệm có thật và đang tồn tại chứ không phải là những dự định sẽ làm hoặc đã làm nhưng chưa tới mức gọi là kinh nghiệm. Muốn vậy phải kiểm tra kĩ và đánh giá chính xác hiệu quả đã đạt được do kinh nghiệm mang lại.
- Khi thu thập, xử lí các số liệu phải hết sức khách quan. Muốn vậy phải thu thập, xử lí thông tin từ nhiều nguồn và bằng nhiều phương pháp khác nhau như: Phương pháp trò chuyện, phương pháp quan sát, phương pháp điều tra.
- Những lí luận tổng kết từ kinh nghiệm cần tiếp tục khẳng định và phát triển, đồng thời phải đem ứng dụng vào thực tế để “nhân”kinh nghiệm bằng cách chỉ đạo điểm hoặc thực nghiệm khoa học.
4.5. Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động
Nghiên cứu sản phẩm hoạt động là phương pháp tìm hiểu con người thông qua sản phẩm do họ tạo ra.
Ví dụ: Nghiên cứu sản phẩm nặn, vẽ, xé dán của trẻ mẫu giáo 5 tuổi để hiểu đặc điểm và khả năng sáng tạo của trẻ. Hoặc nghiên cứu sản phẩm của giáo viên mầm non để hiểu về chính họ.
Khi nghiên cứu sản phẩm hoạt động cần nắm được đầy đủ điều kiện và quá trình hoạt động của con người đưa đến sản phẩm. Tức là chúng ta không chỉ tìm hiểu con người làm ra cái gì, mà quan trọng hơn là làm như thế nào? Bởi vì các sản phẩm và năng lực của con người thường bộc lộ qua những điều kiện và quá trình làm ra sản phẩm.
4.6. Phương pháp thực nghiệm sư phạm
Thực nghiệm sư phạm là phương pháp nghiên cứu một cách chủ động, có hệ thống một hiện tượng giáo dục nhằm xác định mối quan hệ giữa tác động giáo dục với hiện tượng giáo dục cần được nghiên cứu trong những điều kiện đã được khống chế.
Nét đặc trưng của phương pháp thực nghiệm sư phạm là nhà nghiên cứu chủ động tạo ra điều kiện nghiên cứu và khi cần thiết có thể lặp lại nhiều lần điều kiện đó.
Thường có 2 loại thực nghiệm: thực nghiệm tự nhiên và thực nghiệm trong phòng thí nghiệm.
- Thực nghiệm tự nhiên là những thực nghiệm được tiến hành trong điều kiện bình thường của quá trình sư phạm.
- Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm là những thực nghiệm được tiến hành trong điều kiện khống chế nhằm xác định mặt định tính, định lượng và bản chất của hiện tượng giáo dục.
Phương pháp thực nghiệm cho phép người nghiên cứu tìm hiểu sâu bản chất của hiện tượng giáo dục để từ đó phát hiện ra cái mới, nhưng đây là phương pháp đòi hỏi sự chuẩn bị công phu cả về lí luận cũng như công việc và trang thiết bị kĩ thuật khi tiến hành thực nghiệm.
Thực nghiệm sư phạm có thể được tiến hành theo các bước sau đây:
Bước 1: Xác định được vấn đề thực nghiệm với mục đích rõ ràng.
Bước 2: Nêu giả thuyết và xây dựng đề cương thực nghiệm.
Bước 3: Tổ chức thực nghiệm.
Gồm các công việc:
- Chọn mẫu thực nghiệm.
- Bồi dưỡng cộng tác viên.
- Theo dõi thực nghiệm: quan sát, ghi chép, đo đạc.
Bước 4: Xử lí kết quả thực nghiệm, rút ra kết luận khoa học.
Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển mạnh, nhiều phương tiện kĩ thuật hiện đại được sử dụng trong nghiên cứu khoa học giáo dục. Máy vi tính là một phương tiện hiện đại giúp cho việc xử lí kết quả thực nghiệm nhanh, chính xác và tiện lợi.
Yêu cầu nghiêm ngặt của thực nghiệm sư phạm là khi tiến hành thực nghiệm sư phạm, không được làm đảo lộn hoạt động bình thường của quá trình sư phạm, và chỉ tiến hành trong những điều kiện và tiêu chuẩn nghiêm ngặt với luận cứ khoa học để đảm bảo việc đưa những cái mới đã được kiểm tra vào quá trình sư phạm.
Xem thêm:
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đầy đủ những thông tin hữu ích nhất về khái niệm giáo dục mầm non là gì, mục tiêu, nhiệm vụ và các phương pháp nghiên cứu giáo dục mầm non. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hãy liên hệ với chúng tôi theo hotline: 0915 686 999 hoặc email qua địa chỉ: luanvanviet.group@gmail.com để được tư vấn và giải đáp.
Nguồn: Dịch vụ luận văn Luận Văn Việt
CEO Helen Lưu Hà Chi – Nhà sáng lập website luanvanviet.com , nơi cung cấp các dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, tốt nghiệp, tiểu luận, essay, Assignment, cùng với các giải pháp chuyên sâu về xử lý số liệu bao gồm SPSS, STATA, EVIEWS, và SmartPLS.